Tồn tại lớn của ngành dệt may phía Nam hiện nay là không chỉ thiếu công nhân, mà còn thiếu cả kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, chuyền trưởng… . Máy móc cũ nhưng muốn đổi mới thì thiếu vốn . Chưa doanh nghiệp nào ở TPHCM được thưởng xuất khẩu
Ngày 11-7, làm việc với các bộ, ngành tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; 3 nhóm vấn đề bức xúc được các chủ doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da yêu cầu sớm giải quyết về cơ chế, chính sách là thuế, phí và lao động.
Trường đại học hay ngành may tự đào tạo?
Một nghịch lý được các chủ DN dệt may nêu là: Nếu trước kia DN phải đi năn nỉ khách hàng, thì nay khách hàng đến năn nỉ DN, và DN phải… năn nỉ công nhân để thực hiện đơn hàng. Trước kia công nhân đến năn nỉ DN xin việc làm, thì nay có DN thưởng 200.000 đồng cho ai giới thiệu được một công nhân. Vấn nạn lớn của ngành dệt may phía Nam hiện nay là không chỉ thiếu công nhân, mà còn thiếu cả kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, chuyền trưởng… Bộ trưởng Trần Xuân Giá đặt vấn đề: “Một đất nước tỉ lệ thất nghiệp khá cao, tại sao thiếu lao động?”. Trả lời câu hỏi này là: Vì cả nước chưa có một trường đào tạo chuyên ngành cho ngành dệt may. Các trường đại học, công nhân kỹ thuật, đào tạo xa rời thực tế. Ông Nguyễn Đức Hoan – Giám đốc Công ty May Chợ Lớn – cho biết DN ông lên Trường Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức chọn 13 sinh viên tốt nghiệp ngành may, nhưng sau khi đào tạo lại chỉ chọn được một người, mà cũng chỉ làm cán bộ kỹ thuật, không làm chuyền trưởng được. Bộ trưởng Trần Xuân Giá đặt vấn đề: Các “đại gia” có thể hợp tác xây dựng một trường đào tạo nguồn lực cho ngành dệt may; hoặc Hiệp hội Dệt may mở trường đào tạo cung ứng cho DN. Nhưng các DN đều cho rằng đây là vấn đề của Nhà nước. Nhà nước cần có chiến lược đầu tư nguồn lực, như mở trường đại học chuyên ngành dệt may. Còn DN hoặc hiệp hội mở thì ai đi học vì bằng cấp không có giá trị.
Vốn, thuế, phí là gánh nặng
Ngoài các ý kiến cho rằng nhiều loại phí, thuế của nước ta cao nhất thế giới; các chủ DN còn phản ánh sự bất hợp pháp trong vận dụng các loại phí, thuế. Ông Vũ Sĩ Nam – Phó Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè – cho biết: Phí nâng hàng container, mỗi nơi một giá: Container loại 20 feet, ở cảng Tân Thuận giá 270.000 đồng, ở cảng Khánh Hội: 240.000 đồng. Loại 40 feet, nơi 400.000 đồng, nơi 370.000 đồng. Hàng FOB (mua đứt bán đoạn) chiếm 57 – 60% lượng hàng xuất khẩu, nhưng phí lưu kho cao, giờ giấc lại quá chặt chẽ, gây khó dễ cho khách hàng. Bà Bích Liên – Công ty Xuất nhập khẩu Giày da Sài Gòn – phản ánh: Một đôi giày xuất khẩu giá bình quân 10 – 35 USD/đôi, bị trả về tái chế, buộc phải làm lại tờ khai, tính thuế nhập khẩu 5%. Trong vòng 1 tháng không nộp, bị cưỡng chế, trong khi hàng chưa bán được. DN trong nước phải chịu thuế GTGT 10% với hàng xuất khẩu tại chỗ trong khi DN nước ngoài được miễn…
Liên quan trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của DN còn là vấn đề vốn. Hiện đa phần các DN đều thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng, chịu gánh nặng lãi suất. Đó là một nguyên nhân DN chậm đổi mới thiết bị công nghệ. Đại diện một công ty len nói: Có đơn hàng Mỹ đặt 100.000 sản phẩm, nhưng không đủ máy móc, thiết bị để làm; máy móc cũ, nhưng đổi mới thì thiếu vốn.
DN vừa đầu tư vừa “run”
Hiện nay, rất nhiều DN dệt may có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, số lượng lớn từ nay đến hết năm. Nhưng không ai mừng. Nhiều DN vừa đầu tư vừa run. Ông Phạm Xuân Hồng – Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 – nói: “Làm hàng Mỹ rất lo. Phải đầu tư nhà xưởng, thiết bị theo yêu cầu của đơn hàng và của chính khách hàng. Nếu thị trường này chặn cái rụp bằng quota thì rất lãng phí. Có dư luận cho rằng, tháng 3 này Mỹ áp dụng quota. Nếu có động tĩnh gì, bộ, ngành nên sớm báo cho DN. Đừng để DN chết vì thiếu thông tin”. Ông Diệp Thành Kiệt – Tổng Giám đốc Web Sài Gòn khẳng định: Chưa DN nào ở TPHCM được thưởng xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu… DN cũng chưa được hưởng, dù đã ban hành cả năm nay. Lý do: Chi phí cao, và nhiều DN cũng chưa biết có những chính sách này.
Bộ trưởng Trần Xuân Giá ghi nhận những bức xúc của DN và cho biết sẽ nghiên cứu, phản ánh với các bộ, ngành liên quan để có những tháo gỡ tích cực. Chẳng hạn như có thể áp dụng mức thuế GTGT 0% đối với nguyên liệu cung cấp cho DN xuất khẩu. Nghiên cứu giảm chi phí cho DN. Tìm hiểu quy trình tại sao chính sách thưởng xuất khẩu chưa đến được tay DN… Nhưng ông cũng nhấn mạnh: “Giảm chi phí ngay trong DN, ít ai nêu”.
Tối 11-7, TPHCM tiếp tục làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu cho các ngành chế biến lương thực, thực phẩm thủy sản…