Chi phí nhân công và việc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu là những rủi ro hiện hữu đối với các doanh nghiệp dệt may trong năm 2019 này.
Đâu là rủi ro hiện hữu đối với dệt may?
Báo cáo triển vọng ngành 2019 của BSC mới công bố liên quan đến ngành dệt may đã đưa ra đánh giá khả quan đối với ngành này. Cụ thể, theo BSC, nhu cầu dệt may thế giới được dự báo tăng trưởng với 3.5%/năm trong giai đoạn 2019 – 2020 hỗ trợ tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam (trên 90% xuất khẩu).
Tăng trưởng xuất khẩu dệt may duy trì ở mức cao nhờ giành được thị phần từ các thị trường khác: thị phần tăng từ 2.9% (2010) lên 5.6% (2017), còn dư địa để cải thiện.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP và chiến tranh thương mại Mỹ Trung tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam giành thêm thị phần, đặc biệt tại Mỹ và EU.
Theo báo cáo, thị phần của dệt may xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh từ 2.9% (2010) lên 5.6% (2017) nhờ vào nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại và sự dịch chuyển sản xuất do tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc – công xưởng dệt may của thế giới.
“Chúng tôi cho rằng Việt Nam còn dư địa để giành thêm thị phần trong xuất khẩu dệt may thế giới nhờ mức chênh lệch tiền lương công nhân dệt may của Việt Nam và các quốc gia được đánh giá là có chi phí nhân công rẻ hơn đang ngày càng thu hẹp. Thứ hai, chênh lệch về thuế của hàng dệt may Việt Nam với Bangladesh, Campuchia…tại một số thị trường (do các quốc gia nêu trên được hưởng thuế GSP ưu đãi khi xuất khẩu sang một số thị trường) được xóa bỏ nhờ các FTA được ký kết mới (VD: EVFTA)…
Thứ ba, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện, vị trí thuận lợi gần với Trung Quốc giúp cho dịch chuyển sản xuất dễ dàng hơn.

Hiệp định CPTPP cũng được dự báo mở ra cơ hội trong dài hạn, cơ hội cho việc khởi động lại các dự án sợi dệt nhằm đón đầu TPP trong giai đoạn trước cũng như tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Canada.
Trong khi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) được đánh giá có tác động tích cực trong trung – dài hạn. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của dệt may Việt Nam, với 42.5% dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm dệt may sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm sẽ giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn so với Campuchia hay Bangladesh (hưởng thuế suất GSP ưu đãi 0%).
Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” của EVFTA cũng như việc tính gộp nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ quốc gia thứ 3 có chung FTA với cả Việt Nam và EU (Hàn Quốc) cũng thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam so với CPTPP.
Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng được đề cập trong báo cáo. Sau Trung Quốc, Việt Nam là ưu tiên tiếp theo của các doanh nghiệp Mỹ (theo khảo sát trong US Fashion Industry Study, 2017), điểm đến của đơn hàng may mặc chuyển từ “China Plus Many” sang “China Plus Vietnam Plus Many” sẽ là cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam. Ước tính nếu lấy được 1% thị phần hàng may mặc Trung Quốc xuất sang Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 70%.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với một số rủi ro hiện hữu về chi phí nhân công và việc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Về chi phí nhân công, lương cơ bản 2019 được điều chỉnh tăng 7%, mức lương tối thiểu vùng cũng tăng 5% – 6% sẽ tạo áp lực chi phí lên các doanh nghiệp.
“Về đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi cho rằng trong các điều kiện hiện tại đơn hàng xuất khẩu sẽ vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên Việt Nam là một quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ tương đối cao tại một số nhóm hàng trong đó có dệt may nên cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, khâu dệt nhuộm trong nước chưa phát triển tương xứng cũng sẽ là yếu tố rủi ro khi không thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ, bỏ lỡ lợi thế từ các hiệp định thương mại”, báo cáo nêu.
Cơ hội không đến với tất cả các doanh nghiệp
BSC cho biết, mức định giá của ngành dệt may hiện tại tương đối hấp dẫn so với khu vực với mức P/E trung vị là 6.6x (mức trung vị khu vực là 14x). Định giá của thị trường đối với cổ phiếu dệt may chưa có thay đổi đáng kể nếu đặt trong tương quan với tăng trưởng của ngành 1 – 2 năm gần đây, do đó nhóm chuyên gia BSC kỳ vọng vào sự thay đổi mức định giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơ hội không đến với tất cả các doanh nghiệp trong ngành. Đối với các doanh nghiệp niêm yết BSC đánh giá cao các công ty năng lực sản xuất lớn, có quy trình sản xuất từ sợi vải, có tập khách hàng tốt, và các dự án mở rộng đón đầu tăng trưởng.
Theo đó, BSC khuyến cáo mua đối với cổ phiếu MSH của May Sông Hồng, VGG (May Việt Tiến), theo dõi TNG, TCM, VGT.
Đánh giá rủi ro TNG, BSC cho biết, TNG sử dụng đòn bẩy cao, dòng tiền hoạt động CFO < 0 nên sẽ gặp áp lực lớn khi lãi suất tăng; việc đầu tư mở rộng nhanh trong khi đơn hàng không tăng trưởng theo kịp tạo áp lực lên lợi nhuận; rủi ro về nguồn lao động: liên quan đến nguồn lao động và mức lương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, rủi ro từ đầu tư dự án bất động sản và khu công nghiệp; rủi ro pha loãng từ trái phiếu chuyển đổi (lần chuyển đổi đầu tiên có thể vào năm 2020). Do đó, mức định giá của TNG thường chiết khấu nhiều so với mặt bằng chung của ngành.
Đối với TCM, BSC bày tỏ quan ngại về tăng trưởng và dòng tiền trong năm tới vì tập khách hàng của TCM. Cụ thể, đối tác Sears (7% doanh thu) nộp đơn xin phá sản và sẽ phải tái cơ cấu lại hoạt động theo hướng giảm bớt số lượng cửa hàng nên sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của TCM cũng như khả năng thu hồi khoản phải thu trên 90 tỷ (tại 30/09/2018).
Khách hàng lớn nhất là Eland (30-40% đơn hàng) đang có dấu hiệu suy giảm về lợi nhuận và dòng tiền trong khi khoản phải thu tại TCM tăng lên liên tục cũng sẽ là rủi ro đối với công ty.