Các doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của mình và liên kết hợp lực với nhau để chống hàng giả, hàng nhái.
Theo thống kê từ Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, mỗi năm phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn bởi nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu xuất hiện tràn lan trên thị trường. Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những bước đi phù hợp trong xây dựng thị trường, thương hiệu, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thách thức cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì khi sản phẩm của đơn vị mình bị làm giả, làm nhái?
Theo chia sẻ của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của mình và liên kết hợp lực với nhau để chống hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, sự phối hợp hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái.