Những khó khăn của ngành dệt may trong năm 2016 được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2017.
Do vậy, tăng cường các hoạt động tìm kiếm thị trường, linh hoạt trong sản xuất, hướng mạnh về thị trường nội địa là những giải pháp quan trọng giúp ngành khởi sắc hơn trong năm tới.
Xuất khẩu tiếp tục gặp khó
Năm 2016, xuất khẩu (XK) hàng dệt may đạt khoảng 28,023 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2015, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của ngành dệt may. Trước đó, Bộ Công Thương đã phải hạ mục tiêu XK của ngành từ 30 tỷ USD xuống 29 tỷ USD nhưng vẫn không về đích đúng hẹn.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, nguyên nhân là một số đơn hàng lớn, gia công đơn giản đã bị chuyển sang Bangladesh, Campuchia, Malaysia. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trên quy mô toàn cầu cũng đã tác động xấu đến ngành. Ngay cả với những thị trường XK vốn được kỳ vọng nhiều như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản cũng không có nhiều khả quan. Tăng trưởng XK sang các thị trường này năm 2016 chỉ đạt 1 con số.
Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) trong nước bị cạnh tranh quyết liệt bởi một số quốc gia trong khu vực đã có hàng loạt thay đổi về chính sách hỗ trợ cho dệt may phát triển. Cụ thể, Campuchia có hiệp định thương mại tự do với EU, được hưởng thuế suất 0%, trong khi hàng dệt may của Việt Nam XK sang thị trường này đang chịu mức thuế 19,6%; Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu chính như xơ, sợi từ 5% xuống 2,5%; Pakistan áp dụng chế độ thuế 0% đối với nguyên phụ liệu, bán thành phẩm và năng lượng phục vụ sản xuất hàng dệt may XK….
Năm 2017 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với ngành dệt may Việt Nam. Ông Hoàng Vệ Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Bên cạnh việc giảm giá, các nhà nhập khẩu đưa ra kế hoạch đơn hàng ngắn hạn hơn từ 5-6 tháng xuống còn khoảng 3 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng đơn hàng giảm đi, thời gian đặt hàng ngắn hơn và đòi hỏi DN phải rất cạnh tranh mới đáp ứng được. “Các DN cần phải xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt, uyển chuyển theo thị trường và phản ứng rất nhanh mới có cơ hội”, ông Dũng nói.
Nâng cao giá trị
Trước dự báo không có nhiều tín hiệu sáng cho ngành dệt may trong năm tới, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng khuyến cáo: Do giá đơn hàng ngày càng giảm, DN cần chuyển dần từ gia công sang các hình thức sản xuất khác có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn như FOB (mua nguyên liệu, sản xuất và bán hàng trực tiếp), ODM (sản xuất trọn gói kèm thiết kế), đặc biệt ưu tiên cho những đơn hàng sản xuất đơn chiếc. Đẩy mạnh năng lực giao dịch, đáp ứng nhanh mọi yêu cầu của nhà nhập khẩu từ chào hàng, giao hàng cho đến các dịch vụ cung ứng khác. Điều này sẽ giúp chiếm lợi thế trong bối cảnh DN Việt Nam ngày một yếu thế trong cuộc cạnh tranh về giá, chi phí sản xuất với các quốc gia khác.
Mặt khác, do nhu cầu thị trường suy giảm, DN phụ thuộc vào trung gian sẽ bị giảm sức cạnh tranh. Do vậy, DN cần tìm kiếm khách hàng trực tiếp nhằm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, giảm thiểu chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do vẫn được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho DN trong nước, nhưng thực chất sẽ mang tới áp lực hai chiều. Chẳng hạn, ngay năm đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, DN Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng 70% ưu đãi thuế quan, 10 năm sau là 99%. Đổi lại, hàng hóa từ EU vào Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi tương tự. Trong khi đó, năng lực sản xuất nội khối của EU rất lớn, chất lượng sản phẩm lại cao, điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không hề nhẹ nhàng với DN dệt may trong nước. “Đó cũng là lý do phát triển thị trường trong nước được coi là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành dệt may năm 2017”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thị trường dệt may nội địa có quy mô khá lớn từ 4-5 tỷ USD. Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, các DN ngành dệt may đã nỗ lực đầu tư cho sản xuất, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần. Nhờ đó, lượng hàng dệt may tiêu thụ nội địa tăng trung bình 10-15%/năm.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, DN dệt may trong nước đã chú trọng nhiều hơn đến khâu thiết kế thời trang. Các thương hiệu lớn như: Viettien của Tổng công ty CP May Việt Tiến, Hanosimex của Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội, Merriman của Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Mattana của Tổng công ty May Nhà Bè… đã liên tục đưa ra các mẫu thiết kế mới bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Để phát triển được thị trường trong nước, ngoài việc đầu tư cho thiết kế mẫu mã sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, DN cũng cần phát triển phương thức phân phối hiện đại như bán hàng online đang dần được sử dụng rộng rãi hiện nay.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam dự kiến đạt khoảng 30 tỷ USD. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, ngành sẽ chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, xây dựng hệ thống phân phối… nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa.