Chi phí tăng cao
2018 – dự báo một năm khởi sắc của dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2017 (khoảng 33,5-34 tỷ USD). Tuy nhiên, bên cạnh tiềm lực và thuận lợi sẵn có, DN dệt may Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển tăng. Đặc biệt, việc tăng lương tối thiểu vùng lên 6,5% trong năm 2018 làm tăng phí đóng bảo hiểm xã hội, chi phí nhân công, ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng chi phí đóng Quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ đồng. Theo phân tích của Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, nhà nước đã 10 lần tăng lương tối thiểu vùng, trong đó, DN trong nước tăng bình quân gần 22%, DN FDI tăng trên 15%.

Mức tăng không đồng đều giữa tiền lương và năng suất lao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN dệt may.
Phát huy tính chủ động
Theo ông Cao Huy Hiếu – Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)-những năm gần đây, năng suất lao động của DN dệt may tăng khoảng 50% so với trước. Tuy nhiên, so với một số quốc gia dệt may hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, năng suất lao động trong ngành dệt may của Việt Nam hiện chỉ bằng 50% của Trung Quốc, 70% của Philippines…
Nguyên nhân của thực trạng này, theo các chuyên gia, dù có máy móc khá hiện đại nhưng vẫn cần có tư duy về sắp xếp công việc, phát triển nguyên phụ liệu… Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất tinh gọn Lean dù được hầu hết DN dệt may áp dụng nhưng dường như vẫn thiếu “bí quyết” để tăng năng suất hơn nữa.
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Thân Đức Việt – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10-DN cần sắp xếp lại tổ chức, phân công nhiệm vụ, phát huy tính chủ động trong từng vị trí công tác; bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý; kiểm soát quá trình sản xuất.
Ngoài ra, đối với DN ngành sợi, lãnh đạo DN phải có kiến thức nghề nghiệp vững vàng, không ngừng cải tiến và sẵn lòng chia sẻ, có cam kết dấn thân lâu dài vì lợi ích nhà máy và tập thể người lao động; phân định trách nhiệm rõ ràng từng vị trí công việc từ giám đốc đến công nhân khi có vấn đề phát sinh sẽ có địa chỉ cụ thể chịu trách nhiệm xử lý.
Với DN ngành may, giải pháp nâng cao năng suất mang tính chất quản lý cần sắp xếp lại tổ chức, phân công nhiệm vụ, phát huy tính chủ động trong từng vị trí công tác; bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý, kiểm soát quá trình sản xuất. Đặc biệt, DN đầu tư và cải tiến công nghệ; hoàn thiện các phần mềm quản lý sẵn có cũng sẽ góp phần không nhỏ vào cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.