Dự báo năm 2017 rất khó khăn đối với ngành dệt may, khi phải đối mặt việc sụt giảm nghiêm trọng cả về giá và đơn hàng xuất khẩu, cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các đối thủ trong khu vực và thế giới. Muốn đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp (DN) cần đẩy mạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và khách hàng; chủ động về nguồn nguyên phụ liệu, đầu tư trang, thiết bị hiện đại,… để tiết giảm cao nhất chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
Sức ép gia tăng
Năm qua, ngành dệt may Việt Nam (DMVN) đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 28,3 tỷ USD, tuy tăng 5% so với năm 2015, nhưng lại thấp hơn nhiều so với dự kiến ở mức 10 đến 12%. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các DN khi thị trường cạnh tranh gay gắt, giá giảm, số lượng đơn hàng trên thị trường bắt đầu bão hòa và có xu hướng chuyển dịch tới vùng có chi phí sản xuất thấp hơn. Những tháng cuối năm, do nhu cầu thị trường giảm, tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra thường xuyên, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, chấp nhận cảnh “vơ bèo vạt tép” nhằm duy trì nguồn lao động. Không chỉ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN còn phải chứng kiến tình trạng đơn hàng “chạy” sang các thị trường Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Mi-an-ma,…
Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, tình trạng khó khăn của ngành DMVN diễn ra trong hai năm gần đây, khi mục tiêu xuất khẩu không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân do một số nước như Ấn Độ, Băng-la-đét,… đang tập trung làm hàng xuất khẩu và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Tiếp đến, các nước này đã nhanh chóng đưa ra những chính sách hỗ trợ DN trong nước như phá giá tiền tệ, hỗ trợ về thuế,… khiến cho giá cả hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh. Ngoài ra, do một số nước bầu lãnh đạo mới như bầu tổng thống tại Hoa Kỳ, tại Hàn Quốc, hiện tượng Brexit ở Anh,… đã ảnh hưởng và làm sụt giảm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù ở trong nước đã có những chính sách, chiến lược nhằm điều hành, quản lý tạo điều kiện để DN phát triển, nhưng vẫn còn một số vướng mắc như tồn tại bộ phận quản lý cũ, một số vấn đề về giá, chế độ tiền lương, chi phí công đoàn,… đặt gánh nặng cho DN và làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN nội địa so với các đối thủ. Năm vừa qua, Hugaco mở thêm hai nhà máy ở Hưng Yên và Thái Bình, dù tăng thêm 1.000 lao động, nhưng tổng doanh thu lại giảm 2% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu giảm do giá sản phẩm giảm 5%, lợi nhuận cũng giảm 20% so với cùng kỳ vì giá gia công giảm từ 10 đến 15%. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt khẳng định, trong những năm tới, DMVN không chỉ cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nước xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mi-an-ma, Băng-la-đét,… mà cuộc cạnh tranh khốc liệt tiếp tục diễn ra ngay giữa các đơn vị cùng ngành tại Việt Nam. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu đơn hàng và giá gia công giảm.
Phó Chủ tịch Vitas kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định, năm 2017 tiếp tục là năm khó dự báo của thị trường dệt may thế giới cũng như thị trường DMVN. Khi nhu cầu tiêu dùng giảm, tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm, là dấu hiệu cho biết các ngành sản xuất sẽ gặp khó khăn trong một vài năm tới. Đáng chú ý các chính sách theo xu thế chủ nghĩa bảo hộ có thể từng bước được áp dụng; các rào cản mới được dựng lên gồm cả thuế quan và phi thuế quan, ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực xuất khẩu của các DN trong nước. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét, Pa-ki-xtan, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Mi-an-ma tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN dệt may như đã làm trong năm 2016, nhất là chính sách phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng sẽ gây khó khăn lớn cho các DN ngành DMVN trong việc cạnh tranh đơn hàng,…
Tạo lợi thế chuyên biệt
Một trong những kỳ vọng khi Việt Nam ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, TPP, AEC,… sẽ tạo điều kiện để ngành dệt may phát triển nhưng khi sức tiêu dùng thế giới xuống dốc, đã kéo đến hàng loạt khó khăn, thách thức mà các DN gặp phải như đơn hàng sụt giảm, sức ép cạnh tranh gia tăng. Muốn phát triển, không còn cách nào khác, các DN cần tăng cường đầu tư, nâng cao trình độ lao động, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch Vitas kiêm Chủ tịch HĐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng phương thức quản lý hiện đại, tiên tiến, tăng cường đầu tư trang, thiết bị thì các DN cần tăng sức cạnh tranh trong chuỗi. Trong đó, phải xác định làm tốt được khâu nào, từ đó nâng cao thế mạnh và tạo sức cạnh tranh chuyên biệt, thu hút khách hàng. Đồng thời, cần chia sẻ, hợp tác các DN nước ngoài, vì họ có thị trường, mạnh về vốn, có kiến thức quản lý, để tạo sức mạnh mới, cùng nhau phát triển trong chuỗi.
Năm nay, ngành DMVN đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 6%, trong điều kiện thị trường tiếp tục cạnh tranh gay gắt, đó là thử thách không nhỏ. Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Vitas kiêm Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định, các DN cần tiếp tục củng cố, đẩy mạnh khai thác hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Nhật Bản, duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 6% cho hai thị trường này. Trong đó, tập trung cải thiện tổng thời gian sản xuất, giao hàng từ Việt Nam; nâng cấp các giao dịch lên thị trường cấp 1, tức là quan hệ trực tiếp với nhà phân phối tại các thị trường trọng điểm, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu quả, cũng như tiết giảm chi phí cho cả người bán và người mua. Nghiên cứu tổng thể giải pháp tiếp cận, nâng cao thị phần tại Liên minh kinh tế Á – Âu, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 10% thị phần tại thị trường này. Tiếp cận thị trường ngách với các đặc tính thời trang cao không chỉ trong trang phục mà cả các sản phẩm gia dụng, đề cao tính thân thiện môi trường, an toàn, tiết kiệm năng lượng.
Ngành DMVN cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, tạo thành chuỗi hoàn chỉnh, ít nhất từ vải đến may mặc, thỏa mãn yêu cầu của EVFTA, đồng thời nâng cấp vị trí, trong chuỗi giá trị, hướng tới một vị trí bền vững hơn, sẵn sàng thỏa mãn các biến thể mới của các hiệp định đa phương và song phương, kể cả TPP nếu có. Tập trung sản xuất theo hướng giảm hao phí lao động, giảm tiêu thụ năng lượng, sản xuất xanh, sản xuất an toàn, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Có thể nói, với những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu cùng việc hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng và thay thế dần phương thức gia công truyền thống (cắt, may thuê) sang sản xuất hàng ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm), OBM (tự thiết kế, sản xuất, tự phân phối),… tin rằng DMVN sẽ bứt tốc phát triển và hoàn thành mục tiêu đề ra.