Cùng chung với xu hướng dệt may thế giới, tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam có dấu hiệu chững lại trong hai năm gần đây từ 17% (năm 2014) xuống còn 6% (năm 2016)). Nguyên nhân chính đến từ nền kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và các nước trong khối EU (các thị trường chính của dệt may Việt Nam) còn nhiều khó khăn và đơn hàng dịch chuyển một phần sang các nước đối thủ (Campuchia, Bangladesh) do ưu đãi về tỷ giá, thuế và lợi thế nhân công giá rẻ.
Hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam giảm tiêu dùng các sản phẩm dệt may. Nhu cầu hàng may mặc của Mỹ trong năm 2016 có xu hướng chững lại. Trong nhóm 10 nước xuất khẩu hàng may mặc nhiều nhất vào Mỹ, chỉ có Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất khẩu dương (+2%), nhưng tốc độ tăng trưởng này của Việt Nam chậm đáng kể so với những năm trước (trung bình ~14% giai đoạn 2012-2015). Tương tự, các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm tiêu dùng mặt hàng dệt may (Nhật Bản giảm ~2% và Hàn Quốc giảm ~4%), chỉ có nhu cầu tại EU là tăng tốt (+5%) nhưng nhiều đơn hàng từ Anh bị ngưng trệ sau sự kiện Brexit. Trong năm 2017, Euler Hermes dự báo nhu cầu dệt may sẽ hồi phục nhẹ tại Mỹ và Trung Quốc, hỗ trợ đà phục hồi nhu cầu dệt may thế giới. Giá hàng dệt may, do đó, được dự báo tăng 0,5% trong năm 2017 và 1,5% trong năm 2018.
Cạnh tranh giữa các nước sẽ tiếp tục gây gắt. Các đối thủ của Việt Nam bao gồm Campuchia, Bangladesh, Myanma sẽ vẫn được hưởng các ưu đãi về thuế, tỷ giá, trong khi lợi thế của của những nước này về nhân công giá rẻ sẽ càng rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với chính sách bảo hiểm mới và lương cơ bản gia tăng. Xu hướng dịch chuyển lên những công đoạn sản xuất mang lại giá trị cao hơn là tất yếu. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới một số doanh nghiệp đầu ngành có dấu hiệu đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, bao gồm TCM, VGT và TNG.
Trong năm 2016, TCM đã hoàn thiện nâng công suất mảng vải lên hơn 40% (mảng vải hiện đang có biên lợi nhuận gộp ~16-18%). Trong khi đó, VGT phấn dấu tăng tỷ lệ hoạt động ODM từ 8% năm 2016 lên 20% trước năm 2020 (biên gộp của ODM có thể lên đến 30%). TNG cũng đang tích cực phát triển thương hiệu TNG Fashion. Tuy nhiên, những chuyển biến này cần thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả cũng như có phản ánh vào KQKD.
Các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần đáng kể vào sự phát triển ngành dệt may.
Hiệp định thương mại tự do với các nước châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ đầu năm 2018, kỳ vọng hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu sang EU và thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vải. EU là bạn hàng lớn thứ hai (sau Mỹ) với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức ~13% trong hai năm gần đây. Ngoài việc thúc đẩy giao thương, quy tắc xuất xứ từ vải trở đi sẽ là động lực để thu hút dòng vốn FDI cũng như các doanh nghiệp nội tháo “nút thắt cổ chai” ở khâu sản xuất vải.
Các hiệp định thương mại tự do khác với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) (có hiệu lực từ 05/10/2016) và RCEP (đang đàm phán) cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng của ngành dệt may. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), VN-EAEU FTA có thể giúp kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng ~50% trong năm 2017 và ~20%/năm trong giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, thị trường này chỉ chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam nên đóng góp từ Hiệp định này là không lớn. Ngược lại, hiệp định RCEP có quy mô lớn hơn khi ~58% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc lớn. Dù vậy, về dài hạn, cả 2 hiệp định này khó có thể hỗ trợ ngành dệt may phát triển theo chiều sâu khi các quy tắc xuất xứ của VN-EAEU FTA khá “dễ tính” (từ cắt và may) và Việt Nam vốn đã phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu của một số quốc gia lớn trong RCEP.
Nhìn chung trong năm 2017, tăng trưởng ngành dệt may dự báo sẽ phục hồi theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, với việc hiệp định TPP khó có khả năng được thực thi, phần lớn các doanh nghiệp dệt may dự kiến sẽ tiếp tục đi theo lối mòn gia công đơn giản. Các doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực để di chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn sẽ là đầu tàu định hướng cho sự phát triển của ngành.